1. Rễ
Thuộc loại rễ cọc, rễ chính ăn sâu . Đồng thời hệ rễ bên của mè cũng rất
phát triển về bề ngang. Rễ mè phân bố chủ yếu ở lớp đất từ 0 - 25 cm. Nếu mè ở
vùng đất cát, vùng khô hạn, rễ cái có thể ăn sâu từ 1m đến 1,2 m để tìm nguồn
nước ngầm.
Nhiều thí nghiệm cho thấy tốc độ ra rễ của mè rất chậm, kém hơn đậu
phộng, bắp. Đây là vấn đề cần lưu ý khi trồng xen mè với các cây trồng này.
Trên đất cát, rễ mọc tốt hơn trên đất sét và không chịu ngập trong thời
gian ngắn.
Đặc tính của rễ mè phát triển kém nên dễ bị đổ ngã khi có mưa to gió lớn.
Vì vậy khi trồng mè, chú ý phải vun gốc, xẻ rãnh để thoát nước (nhất là trồng
vào mùa mưa).
2. Thân
Thân mè thuộc thân thảo, thân thường có hình 4 cạnh với những tiết diện
vuông và những rãnh dọc. Tuy nhiên, có những dạng thân rất rỗng hình chữ nhật.
Thân có thể tròn, trên thân có nhiều lóng hoặc ít lóng. Đặc tính này cũng để
phân biệt giống. Màu sắc của thân thay đổi từ màu xanh nhạt đến màu tím, phổ
biến nhất là màu xanh đậm. Thân cao từ 60-120 cm. Trong điều kiện hạn, thân có
thể thấp hơn, nhưng cũng có giống đạt đến 3m.
Số lượng cành trên cây phụ thuộc chủ yếu vào giống, thường có khoảng 2 -
6 cành. Cành mọc từ các nách lá gần gốc.
Mức độ phân cành thực sự là tốc độ sinh trưởng chung của cây, trực tiếp
bị ảnh hưởng của môi trường mật độ, lượng mưa, độ dài ngày.
Các dạng thân ngắn đâm cành ít thường chín sớm, cây cao thường chín trễ
và có khuynh hướng chịu hạn khá hơn. Các giống dài ngày thường phát triển chậm
ở giai đoạn cây con, nhưng tăng trưởng nhanh ở giai đoạn sau.
3. Lá
Lá mè rất biến đổi về dạng và kích thước trên cùng một cây và giữa các
giống. Lá dưới thường rộng đôi khi có thùy, mép (rìa) hình răng cưa hướng ra
ngoài lá giữa thường nguyên hình móc, đôi khi răng cưa lá trên hẹp hơn. Lá mọc
đối hay luân phiên tùy giống, cách sắp xếp lá ảnh hưởng đến số hoa mang trên
nách lá và năng suất hạt trên cây. Lá mọc đối tạo diều kiện có nhiều hoa. Kích
thước của lá thay đổi từ 3 -17,5 cm chiều dài và 1-1,5 cm chiều rộng. Lá có màu
xanh đậm, xanh nhạt tùy thuộc vào giống. Mặt trên của lá có lông tơ bao phủ.
Theo nhiều thí nghiệm cho thấy tốc độ dẫn nước của lá mè không mở quả nhanh hơn
lá mè mở quả. Do đó, những vùng thiếu nước thì không thích hợp cho giống mè mở
quả.
4. Cành
Xuất phát từ thân chính, cành có thể mọc cách hay mọc đối nhau, cành sẽ
mang hoa và trái, trên các cành chính còn có cành cấp hai. Sự phân cành trên
thân chính cũng là một yếu tố để phân biệt các giống mè, thường màu của cành
trên thân giống như thân chính.
5. Hoa
Hoa mè thuộc hình chuông. Cuống hoa ngắn, tràng hoa gồm 5 cánh hợp thành
hình chuông. Đài hoa màu xanh, 5 cánh cạn. Ống hoa dài 3 - 4 cm. Hoa mọc ở nách
lá thành chùm. Mỗi chùm có 4 - 8 hoa. Nhị đực 5 nhưng có 1 bất dục. Bầu nhụy
nằm trên đài hoa, có 2 ngăn với nhiều vách giả.
6. Trái
Là một loại quả nang, tiết diện hình chữ nhật, có rãnh sâu, có đầu nhọn
hình tam giác ngắn. Hình dạng của trái cũng là một yếu tố để phân biệt các
giống. Chiều dài trái thay đổi từ 2,5 - 8cm, đường kính trái thay đổi từ 0,5-2
cm số vách ngăn từ 1-12 trái thường có lông tơ bao phủ. Trái mở ra bằng cách
chẻ dọc vách ngăn từ trên xuống. Mức độ mở trái là đặc tính quan trọng khi chọn
giống để trồng cho phù hợp với điều kiện thu hoạch.
Chất lượng trái cũng khác nhau tùy vị trí đóng trái. Thường trái ở vị trí
thấp có hạt lớn hơn ở vị trí cao.
7. Hạt
Hạt mè là hạt song tử diệp. Cấu tạo hạt có nội phôi nhũ. Hạt mè nhỏ
thường có hình trứng hơi dẹp trọng lượng 1000 hạt từ 2 - 4 g. Vỏ láng hoặc nhăn
màu đen, trắng, vàng, nâu đỏ hay xám, cũng có hạt màu xám nâu, xanh olive và
nâu đậm. Hạt mè có từ 1 – 2 vỏ. Hạt mè tương đối mảnh và chứa rất nhiều dầu, do
đó, dễ mất sức nảy mầm sau khi thu hoạch. Một số giống mè có tính miên trạng
kéo dài đến 6 tháng sau khi thu hoạch. Giống có trái nhiều khía thì hạt nhỏ hơn
giống có trái ít khía.